1. Sự ra đời bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước nhà giành được độc lập, gặp muôn vàn khó khăn thách thức như: Từng bước xây dựng và củng cố chính quyền non trẻ, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, diệt “giặc đói”, “giặc dốt”. Ngoài ra việc khắc phục khó khăn về tài chính là nhiệm vụ cấp bách lúc này cần được giải quyết đồng thời với đấu tranh chống ngoại xâm, nội phản để bảo vệ chính quyền, giữ vững thành quả cách mạng. Năm 1949, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã kết thúc thắng lợi quãng đường 4 năm đầu tiên cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Giữa lúc công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta ở vào thời điểm vô cùng cam go, quyết liệt, đòi hỏi phải huy động sức mạnh của cả dân tộc.
Đây là thời điểm có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận quần chúng của Đảng phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến. Nhận thức sâu sắc và đánh giá cao vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” dưới bút danh X.Y.Z đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949.[1]
Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bài viết rất ngắn gọn, từ đầu đề (chỉ gồm hai từ), đến dung lượng (chỉ 573 từ); được thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với quần chúng; văn phong xúc tích, có tính khái quát cao; kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, sáng rõ, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ làm theo.
Tác phẩm chia thành bốn mục lớn, theo thứ tự từ I đến IV:
“I- Nước ta là nước dân chủ
II- Dân vận là gì?
III- Ai phụ trách dân vận?
IV- Dân vận phải thế nào?”
Từ luận điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào. Bác đặt ra vấn đề đối với người cán bộ cách mạng, dù bất cứ ai nhất thiết phải làm dân vận, phải xem trọng dân vận. Cuối bài, Bác khẳng định dứt khoát: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[2]
2. Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm
70 năm trôi qua bài “Dân vận” của Bác vẫn mới, vẫn còn và mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta trong sự nghiệp cách mạng xây dựng bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là “bậc thầy” trong công tác dân vận, Người đã chỉ ra quy trình và phương pháp dân vận: Quy trình: Phải cho dân biết; Giải thích cho dân hiểu; Bày cách cho dân làm; Tiến hành kiểm tra, kiểm soát. Phương pháp dân vận: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Dân vận trong lời giải thích, vận động, thuyết phục, chưa đủ, cần phải dân vận trong hành động, trong cuộc sống, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống và phải trở thành tấm gương để lan tỏa đến người khác, theo Người, “Một tấm gương sống còn hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Bài viết của Bác có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần thiết trong mọi giai đoạn cách mạng. Thể hiện rất rõ tư tưởng trọng dân và tin dân, phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lấy dân là đối tượng phục vụ và để phục vụ dân, Người luôn gần gũi với nhân dân để thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí và thực hành dân chủ. Là cở sở lý luận để Đảng, Nhà nước ta đề ra các chủ trương, chính sách về công tác dân vận nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung; là cẩm nang cho các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị nghiên cứu, học tập, thực hiện tốt công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Bài viết của Bác là tác phẩm tiêu biểu để mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiên sỹ lực lượng vũ trang nghiên cứu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
3. Ngày “Dân vận cả nước” 15 tháng 10
Đảng ta luôn xác định: Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Nội dung bài báo “Dân vận” được coi là “Cương lĩnh công tác dân vận” của Đảng. Chính vì vậy, vào tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” và trên cơ sở sự ra đời của hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là Ngày Truyền thống công tác Dân vận của Đảng và ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước”.
Đây là sự kiện có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta để cùng nhau học tập và thực hiện những lời Bác Hồ dạy về công tác dân vận. Hiện nay, Công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, công tác dân vận tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đi vào chiều sâu, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng - Nhà nước với nhân dân, phát huy cao độ khối đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
ThS. Trần Đình Phú, Phó Hiệu trưởng
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr. 232.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 Nxb Chính trị quốc gia, H.2000 tr.698-700
Bản in