Hoàng đế Quang Trung (1753 -1792) , tên thật là Nguyễn Huệ, là vị Hoàng đế thứ hai của Nhà Tây Sơn sau khi Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông. Theo Nhà sử học Phan Huy Lê, “Quang Trung không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc mà còn là một nhà chính trị có biệt tài”[1] . Cải cách giáo dục là một trong những chính sách xã hội nổi bật mà ông đã thực hiện.
Thứ nhất, sử dụng người có tâm, có tài để thực hiện chính sách giáo dục.
Có thể coi Nguyễn Thiếp là người có công đầu, trực tiếp hiện thực hóa chủ trương cải cách giáo dục của Hoàng đế Quang Trung. Ông là người học giỏi, đỗ cao nhưng trước thời thế nhiễu nhương nên cáo quan về quê ở ẩn, làm nghề dạy học dưới chân núi Thiên Nhẫn (Nam Đàn, Nghệ An). Nguyễn Thiếp từng từ chối lời mời ra làm quan của Chúa Trịnh Sâm. Ngay cả đối với Hoàng đế Quang Trung, ông cũng nhiều lần từ chối mặc dù nhà vua đã hạ mình hết mức để mưu cầu hiền tài. Tuy nhiên, sau khi nhận được bức thư tâm huyết của người anh hùng áo vải vừa chiến thắng quân Thanh trở về: “Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Phu tử đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Phu tử hẳn có thế thật”, ông đã quyết định về Phú Xuân giúp vua xây dựng lại đất nước từ đống hoang tàn của chiến tranh.
Từ chối chức cao, quyền trọng, kiên quyết không tham gia chính sự, ông chỉ nhận làm những việc liên quan đến học thuật, hiểu ý ông, vua giao cho ông toàn quyền tổ chức nền giáo dục mới.
Ngay tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung được tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789, Nguyễn Thiếp được cử làm Đề điệu kiêm Chánh Chủ khảo. Tuy nhiên sau khi giúp vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp lại về núi Thiên Nhẫn mà không chịu ở Phú Xuân.
Năm 1791 , vua Quang Trung lại cho mời ông về Phú Xuân để bàn việc nước, ông đã dâng lên vua một bản tấu bàn về 3 vấn đề: Một là "Quân đức" (đại ý khuyên vua nên theo đạo Thánh hiền để trị nước); hai là "Dân tâm" (đại ý khuyên vua nên dùng nhân chính để thu phục lòng người), và ba là "Học pháp" (đại ý khuyên vua chăm lo việc giáo dục). Nhà vua nghe lời khuyên ấy và lập tức ban chiếu lập "Sùng chính Thư viện" ở nơi ông ở ẩn và mời ông làm Viện trưởng[2]. Kể từ đó, ông hết lòng chăm lo việc dịch sách chữ hán ra chữ nôm để dạy học và phổ biến trong dân. Chỉ trong hai năm, ông đã tổ chức dịch xong các sách: Tiểu học, Tứ thư, kinh thi và chủ trì biên soạn xong hai bộ sách là Thi kinh giải âm và Ngũ kinh toát yếu diễn nghĩa.
Thứ hai, trọng dụng chữ Nôm – đưa chữ Nôm vào khoa cử
Chữ Nôm tuy là chữ được xây dựng trên cơ sở chữ Hán, nhưng qua thời gian đã trở thành thứ văn tự dân tộc, ghi lại chuẩn mực nhất ngữ âm của nhân dân. Thời Hồ Qúy Ly, chữ Nôm tuy đã được coi trọng nhưng chỉ dừng lại ở việc dịch thuật các tác phẩm từ chữ Hán. Đến thời Tây Sơn, buổi đầu khởi nghĩa, các thủ lĩnh Tây Sơn sử dụng chữ Nôm trong các bài hịch, thư từ, mệnh lệnh… Sau khi lên ngôi vua, Quang Trung mạnh dạn đánh đổ thành kiến độc tôn chữ Hán của các triều đại quân chủ trước, đưa chữ Nôm lên địa vị văn tự chính của Quốc gia. Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, chữ Nôm được đưa vào khoa cử. Trong các kì thi, quan trường phải ra đề bằng chữ Nôm và đến đệ tam trường, sĩ tử phải làm thơ văn phú bằng văn Nôm.
Chủ trương nói trên của Quang Trung đã phản ánh một hoài bão lớn lao: Nhà Tây Sơn muốn thoát ly hẳn sự lệ thuộc vào văn tự nước ngoài, chống lại chính sách đồng hóa ngôn ngữ của các triều đại phương Bắc, thể hiện lòng tự tôn, tự hào và gìn giữ tiếng nói của dân tộc, bảo tồn nền văn hóa của nhân dân.
Thứ ba, Mở rộng hệ thống trường học đến cấp xã.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, việc học tập được phổ biến đến tận thôn xã. Việc này, các triều đại trước đây đều không làm được. Vua Quang Trung ban hành Chiếu lập học, theo đó, các xã phải lập nhà xã học, chọn người hay chữ, có đức hạnh phụ trách việc giảng dạy (gọi là “xã giảng dụ” – do xã lựa chọn và được triều đình cấp bằng công nhận), lại cho phép các địa phương sử dụng một số đền chùa làm trường học. Trong một bức thư gửi vua, Nguyễn Thiếp nêu chủ trương: “Nước Việt ta từ khi lập quốc tới bây giờ, chính học lâu ngày mất. Người ta chỉ tranh nhau đua tập việc học từ chương cầu lợi và quên bẵng cái giáo tam cương ngũ thường. Chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc phá gia phong, những tệ kia đều ở đó mà ra”[3]
Theo đó, phương pháp học tập là phải tuần tự mà tiến, đọc cho kĩ mà ngẫm cho tinh, học cho rộng rồi ước lượng cho gọn, theo điều học biết mà làm, họa may nhân tài mới có thể thành tựu, nhà nước nhờ đó mà vững yên.
Thứ tư, chấn chỉnh việc thi cử
Năm 1789, Quang Trung mở khoa thi Hương đầu tiên ở Nghệ An. Trong đó, quy định những người trúng tuyển kỳ thi hương gọi là tú tài, hạng ưu được sung vào quốc học, hạng thứ cho vào phủ học. Để thanh toán hậu quả của chế độ khoa cử thối nát thời Lê – Trịnh, vua Quang Trung bắt các hạng nho sinh, sinh đồ phải thi lại, hạng ưu thì công nhận cho đỗ, hạng liệt thì bắt học lại ở các trường xã, hạng “sinh đồ 3 quan” thì thải về địa phương.
Những chính sách trên đây, chứng tỏ Quang Trung có hoài bão lớn lao xây dựng một nền văn hóa, học thuật, giáo dục đậm tính dân tộc, nâng cao ý thức độc lập tự cường, thoát ly những ràng buộc và lệ thuộc về văn hóa đối với bên ngoài. Tuy thời gian thực hiện ngắn ngủi, nhưng những chính sách cải cách tiến bộ của Quang Trung vẫn đánh dấu một bước thắng lợi của văn hóa dân tộc, để lại nhiều bài học vô cùng quý giá cho đời sau.
[1] Phan Huy Lê, Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, Nhà xuất bản giáo dục, Hà Nội, 1961, trang 104
[2] Theo tờ chiếu của vua Quang Trung ban ngày 20 tháng 8 (1791).
[3] Thư Nguyễn Thiếp gửi vua Quang Trung năm 1791
Tác giả: Phạm Dũng
Khoa: Lý luận cơ sở
Bản in