Trong hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh, tư tưởng về quan hệ sản xuất luôn được Người chú trọng luận giải dưới những ngôn từ giản dị, dễ hiểu nhưng rất phong phú, chứa đựng những hạt ngọc lý luận kinh tế quý báu. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ sản xuất, chúng ta thấy được sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo những nguyên lí cơ bản của học thuyết Mác - Lênin vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện lịch sử của nước ta. Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, sở hữu là vấn đề có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lý luận và thực tiễn. Đây là quan hệ cốt lõi, quyết định bản chất của quan hệ sản xuất, là nguồn gốc sâu xa của mọi động lực phát triển xã hội, là “vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội”, là tiêu chí phân biệt các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau.
Trong Chánh cương, sách lược vắn tắt của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo tháng 2-1930 đã xác định mục tiêu là nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập. Trong một nước độc lập và xây dựng chế độ dân chủ thì nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ. Đó vừa là thành quả vĩ dại của độc lập dân tộc mà cũng là sức mạnh đảm bảo quan trọng nhất để giữ vững độc lập dân tộc.
Theo Hồ Chí Minh, bản chất chủ nghĩa xã hội với tư cách là một chế độ xã hội phải thể hiện ở tất cả mọi phương diện cấu thành đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa, tới các quan hệ xã hội giữa người với người. Nó là sự thống nhất biện chứng giữa các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa đạo đức. Đó là xã hội giải phóng con người và phát triển con người, đem lại cho mọi người cuộc sống ấm no hạnh phúc, được hưởng tự do và hạnh phúc. Chính vì lẽ đó mà chúng ta không nên tuyệt đối hóa từng mặt, tách riêng rẽ từng mặt mà phải đặt chúng trong một tổng thể chung. Khi nói chuyện tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp II, cấp III và Hội nghị Sư phạm vào tháng 7 - 1956, Hồ Chí Minh cho rằng: "Chủ nghĩa xã hội là lấy nhà máy, xe lửa, ngân hàng … làm của chung. Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên là trừ những người già cả, đau yếu và trẻ con"[1]. Khi nhấn mạnh mặt kinh tế, Hồ Chí Minh nêu chế độ sở hữu công cộng của chủ nghĩa xã hội và phân phối theo nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – Lênin là làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có phúc lợi xã hội. Về mặt chính trị, Hồ Chí Minh nêu chế độ dân chủ, mọi người được phát triển toàn điện với tinh thần làm chủ. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chủ nghĩa xã hội có chế độ chính trị dân chủ, nhân dân lao động là chủ và nhân dân lao động làm chủ, Nhà nước là của dân, do dân và vì dân, dựa trên khối đại đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là liên minh công - nông - tri thức, do Đảng cộng sản lãnh đạo. Mọi quyền lực trong xã hội đều tập trung trong tay nhân dân. Nhân dân đoàn kết thành một khối thống nhất để làm chủ nước nhà. Nhân dân là người quyết định vận mệnh cũng như sự phát triển của đất nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh coi nhân dân có vị trí tối thượng trong mọi cấu tạo quyền lực. Chủ nghĩa xã hội chính là sự nghiệp của chính bản thân nhân dân, dựa vào sức mạnh của toàn dân để đưa lại quyền lợi cho nhân dân.
Ảnh minh họa: Internet
Đối với nước ta, trong hoàn cảnh miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh phân tích: "Nước ta trước đây là thuộc địa, giai cấp tư sản dân tộc vốn đã nhỏ bé lại bị đế quốc và phong kiến chèn ép, không thể ngóc đầu lên. Cho nên số đông họ đã đi theo nhân dân lao động chống đế quốc, phong kiến, tham gia kháng chiến. Đó là mặt ưu điểm của họ. Nhưng do bản chất giai cấp của họ, họ vẫn luyến tiếc cách bóc lột và muốn phát triển theo chủ nghĩa tư bản. Nhưng trong điều kiện miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, ý nguyện của họ không thể nào thực hiện được. Họ thấy phải tiếp thu cải tạo xã hội chủ nghĩa, vì họ không thể tự đặt mình ra ngoài đại gia đình toàn dân Việt Nam. Và đại đa số người tư sản dân tộc đã thấy rõ rằng: thật thà tiếp thu cải tạo thì họ được hòa mình với nhân dân lao động để xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội"[2] . Từ đó, Người chủ trương: "Đối với những nhà tư sản công thương, Nhà nước xóa bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ, mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của nhà nước. Đồng thời nhà nước khuyến khích và giúp đỡ họ cải tạo theo chủ nghĩa xã hội bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác”[3]. Về mặt xã hội, họ có quyền lợi thích đáng “họ vẫn giữ địa vị một thành viên trong mặt trận tổ quốc”[4].
Trong tác phẩm Dân vận (1949), Hồ Chí Minh đã trình bày rất sâu sắc lý luận về dân chủ, thể hiện bản chất của chủ nghĩa xã hội nhìn từ phương diện chính trị đó là:
"Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[5]
Theo Hồ Chí Minh, từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, đó là đặc điểm lớn nhất của nước ta khi bước vào thời kì quá độ.
Trong báo cáo sửa đổi Hiến pháp trước Quốc hội, Hồ Chí Minh đã trình bày đường lối chung tiến lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phải tạo lập trên cơ sở chế độ công cộng về tư liệu sản xuất. Người nêu rõ các hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và chính sách đối với các loại hình đó.
“Trong nước ta hiện nay có những hình thức sở hữu chính về tư liệu xuất như sau:
- Sở hữu của nhà nước, tức là của toàn dân.
- Sở hữu của Hợp tác xã, tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động.
- Sở hữu của người lao động riêng lẻ.
- Một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản.
Mục đích của chế độ ta là xóa bỏ các hình thức sở hữu không xã hội chủ nghĩa, làm cho nền kinh tế gồm nhiều thành phần phức tạp trở thành một nền kinh tế thuần nhất, dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể”[6]
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những vận dụng các luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn bám sát vào hoàn cảnh Việt Nam, Người cho rằng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phải được tạo lập trên cơ sở chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, nhưng trong thời kỳ quá độ còn tồn tại bốn hình thức sở hữu chính là: sở hữu Nhà nước tức là của toàn dân, sở hữu của hợp tác xã tức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, sở hữu của người lao động riêng lẻ và sở hữu của nhà tư bản về tư liệu sản xuất.
Trần Thị Hoài
Khoa Lý luận cơ sở
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 8, tr. 226
[2] Hồ Chí Minh: Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr217-218
[3] Hồ Chí Minh: Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr199-200
[4] Hồ Chí Minh: Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr217
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 5, tr698
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 9, tr588
Bản in