tour du lich

Thống kê truy cập

Đang truy cập: {{views}}
Tổng lượt truy cập: {{totals}}
NHẬN DIỆN VÀ PHẢN BÁC LẠI CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH PHỦ NHẬN TRIẾT HỌC MÁC - LÊNIN 2022-09-20T08:52:00.000Z

Triết học Mác - Lêninmột trong 3 bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin, là một trong những nội dung cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng. Triết học Mác - Lênin là hệ thống quan điểm duy vật biện chứng về sự vận động, biến đổi của thế giới vật chất và xã hội loài người. Đó là hệ thống triết học triệt để và hoàn bị, khoa học và cách mạng, là sự kết tinh những tinh hoa tư tưởng triết học của nhân loại. Triết học Mác - Lênin không chỉ là “vũ khí lý luận” trong cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp vô sản và nhân dân lao động, mà còn là thế giới quan, phương pháp luận để chúng ta nhận thức về sự biến đổi của thế giới đương đại. Chính vì vậy, bằng nhiều hình thức, nội dung và thủ đoạn, các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc, phê phán Triết học Mác - Lênin. Vì vậy, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cần nhận diện và phản bác những quan điểm phản động, thù địch, sai trái phủ nhận triết học Mác - Lênin. Cụ thể như:

Thứ nhất, một số luận điểm đã phủ nhận lý luận hình thái kinh tế - xã hội. Cho rằng, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội chỉ thấy được khía cạnh “phá hủy” của chủ nghĩa tư bản, mà không nhìn thấy được sự điều chỉnh và những thành tựu của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản đã tiến hóa để thích nghi, việc đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, dẫn tới một xã hội độc tài.

Thực chất trên cơ sở nghiên cứu tổng kết toàn bộ lịch sử phát triển của xã hội loài người, triết học Mác - Lênin chỉ ra sự thay thế lẫn nhau giữa các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên tuân theo các quy luật khách quan. Và toàn bộ dòng chảy lịch sử của nhân loại là quá trình lịch sử - tự nhiên với sự thay thế, tiếp nối các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp lên cao (cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản). Chủ nghĩa tư bản dù có điều chỉnh để thích nghi đến đâu, thì bản chất bóc lột vẫn không biến mất, những mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản vẫn chưa được giải quyết, những bất công, khủng bố, nạn phân biệt chủng tộc…vẫn còn đó. Chủ nghĩa tư bản sớm muộn sẽ bị thay thế bởi một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn, mà Mác gọi là chủ nghĩa công sản.

Thứ hai, có quan điểm phủ nhận lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp của triết học Mác - Lênin. Họ cho rằng Mác đã tuyệt đối hóa vai trò của đấu tranh giai cấp. Mác lúc nào cũng chỉ nói đến đấu tranh giai cấp, đến bạo lực cách mạng, như vậy là kích động chiến tranh, cổ vũ cho bạo lực trong xã hội, là “chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan”.

 Bằng việc nghiên cứu tiến trình lịch sử phát triển của xã hội loài người, Mác đã tìm ra và chứng minh được sự tồn tại của giai cấp và đấu tranh giai cấp là khách quan, tất yếu. Theo C. Mác, đấu tranh giai cấp mà đỉnh cao là cách mạng xã hội chỉ có thể nổ ra trên cơ sở lực lượng sản xuất phát triển tới mức mâu thuẫn không thể giải quyết với quan hệ sản xuất đã lỗi thời trong lòng xã hội cũ. Biểu hiện trong xã hội chính là mâu thuẫn giữa giai cấp bị trị (đại diện cho lực lượng sản xuất đang phát triển) với giai cấp thống trị (đại diện cho quan hệ sản xuất lỗi thời). Mâu thuẫn giữa các giai cấp ngày càng trở nên gay gắt và không thể điều hòa được, để giải quyết mâu thuẫn thì đấu tranh giai cấp là tất yếu trong xã hội có giai cấp.

 Hơn nữa, triết học Mác - Lênin không hề tuyệt đối hóa vai trò của đấu tranh giai cấp, các ông luôn cho rằng giai cấp và đấu tranh giai cấp là một phạm trù lịch sử, chỉ xuất hiện trong xã hội có giai cấp. Mác khẳng định: 1) sự tồn tại của các giai cấp chỉ gắn với những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản xuất, 2) đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản, 3) bản thân nền chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến tới thủ tiêu mọi giai cấp và tiến tới xã hội không có giai cấp. Triết học Mác - Lênin không bao giờ coi đấu tranh giai cấp là động lực duy nhất trong xã hội có giai cấp. C.Mác chỉ ra, ngoài đấu tranh giai cấp ra còn nhiều động lực khác như: đạo đức, tư tưởng, văn hóa, giáo dục… vị trí, vai trò của mỗi động lực là khác nhau. Nhận thức được điều này sẽ giúp chúng ta tránh được tư tưởng tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp.

Trong nhiều tác phẩm, triết học Mác - Lênin luôn cho rằng đấu tranh giai cấp không phải là những cuộc bạo loạn, khủng bố, lật đổ, chỉ có ý nghĩa phá hoại gây chia rẽ, bè phái, gây rối loạn, làm tổn thất cho xã hội mà là một quá trình tất yếu, khách quan của xã hội có áp bức giai cấp. Do vậy, đấu tranh giai cấp là một động lực thúc đẩy xã hội phát triển, chứ không phải là “chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan”. Triết học Mác - Lênin tuyệt đối không sùng bái bạo lực mà coi bạo lực cách mạng chỉ là một trong những phương thức để thể hiện sức mạnh của quần chúng, là “bà đỡ” để đưa xã hội mới ra đời trong lòng xã hội cũ. Còn xã hội mới trưởng thành, phát triển như thế nào thì chủ yếu là vấn đề xây dựng.

Thứ ba, một số thế lực thù địch đã phủ nhận, xuyên tạc quan điểm triết học Mác - Lênin về con người. Họ cho rằng, ngày nay khoa học công nghệ phát triển như vũ bão với sự xuất hiện ngày càng nhiều “robot thông minh”, “trí tuệ nhân tạo” khiến người máy đang dần thay thế con người, đã đến lúc cần xem xét lại quan điểm của C.Mác về vai trò, vị trí trung tâm, có ý nghĩa quyết định của người lao động trong sản xuất vật chất.

Quan điểm của học thuyết kỹ trị hiện đại khi đề cao vai trò quyết định của khoa học - công nghệ đối với sản xuất vật chất hiện nay, bản thân C.Mác chưa bao giờ phủ nhận vai trò của khoa học, Ph.Ăngghen cũng từng khẳng định: “Đối với Mác, khoa học là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng”.Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khoa học - công nghệ hiện đại trở thành yếu tố quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất. Về thực chất, khoa học - công nghệ trước hết là sản phẩm của quá trình nhận thức, sản phẩm của sự phát triển trí tuệ của con người. Kỹ thuật, công nghệ hiện đại dù năng động và cách mạng đến mấy cũng chỉ là sản phẩm do bàn tay và khối óc của con người làm ra và chịu sự điều khiển, giám sát của con người. Nếu không xuất phát từ con người, được tiến hành bởi con người và không hướng về mục đích phục vụ con người, không có quá trình sản xuất nào có đủ lý do để tồn tại và phát triển. Vì thế, quan điểm của C.Mác về vai trò quyết định của người lao động đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất vẫn còn đúng đắn.

Thứ tư, các lực lượng phản động vin vào sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu để cho rằng học thuyết Mác - Lênin là sai lầm; cho rằng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu trước đây, cũng như ở Trung Quốc và Việt Nam trước cải cách đổi mới là hoàn toàn xa lạ với các nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chệnh hướng khỏi các nguyên lý mácxít cơ bản. Chính sự xuyên tạc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến lập trường, quan điểm của những người theo chủ nghĩa Mác.

Trên cơ sở nghiên cứu tổng kết toàn bộ lịch sử phát triển của xã hội loài người, chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, đối với mỗi nước cụ thể, do điều kiện lịch sử khác quan có thể bỏ qua một hoặc một vài hình thái kinh tế -  xã hội, sự bỏ qua đó cũng là một quá trình lịch sử - tự nhiên, tuân theo các quy luật khách quan. Thực tế trong lịch sử cũng đã có nhiều quốc gia, dân tộc do điều kiện lịch sử mà bỏ qua một hoặc một vài hình thái kinh tế - xã hội. Vì thế, không có chuyện chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu trước đây, cũng như ở Trung Quốc và Việt Nam trước cải cách đổi mới là chệch hướng nguyên lí mácxít ở đây.

Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất, là những người lãnh đạo đất nước đã xa rời những nguyên lý mácxít cơ bản, vận dụng một cách chủ quan duy ý chí lý luận của Mác vào thực tiễn. Cho nên, không thể chỉ nhìn vào một Liên Xô, Đông Âu mà cho rằng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là sai lầm được. Thực tế hiện nay ở những nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội như Trung Quốc, Việt Nam… với những thành tựu của mình là minh chứng cụ thể nhất về sự đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin

Như vậy, để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và triết học Mác - Lênin nói riêng chúng ta cần nhận diện những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, đấu tranh bác bỏ các quan điểm đó; mặt khác chúng ta cần phải mạnh dạn đề xuất bổ sung, phát triển những quan điểm của học thuyết cho phù hợp với thực tiễn. Việc bổ sung, phát triển đó không phải là “xét lại” triết học Mác - Lênin, cũng không phải là làm lu mờ chân giá trị của triết học Mác - Lênin mà là làm cho những nội dung, quan điểm của học thuyết có thêm sức sống mới, phù hợp với giai đoạn hiện nay. V.I.Lênin - Người đã không ngừng bảo vệ, phát triển học thuyết Mác đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”.

                                                                                Nguyễn Việt Hải

                                                                              Khoa Lý luận cơ sở


Bản in

 

Tin đã đưa