Trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước, các cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính thực hiện các hành vi hành chính và ban hành các quyết định hành chính.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải các quyết định hành chính và hành vi hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền luôn luôn phù hợp với pháp luật, trong đó không ít những trường hợp quyết định, hành vi của của cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính trái với quy định của pháp luật, vi phạm quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc khiếu nại và khởi kiện vụ án hành chính.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi thực hiện quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định, hành vi hành chính thì các tổ chức, cá nhân cần phân biệt sự khác nhau giữa khiếu nại hành chính với khởi kiện vụ án hành chính.
Khiếu nại hành chính: Là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Khởi kiện vụ án hành chính: Khởi kiện vụ án hành chính là việc cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính gửi đơn kiện và yêu cầu tòa án thụ lý, giải quyết vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Từ khái niệm trên có thể phân biệt sự khác nhau giữa khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính ở những đặc điểm sau:
Thứ nhất, về chủ thể
Chủ thể của quyền khiếu nại:
- Người khiếu nại, là người ký đơn khiếu nại và phải là người bị quyết định hoặc hành vi hành chính tác động đến.
- Người bị khiếu nại, là người đã thực hiện hành vi hoặc ban hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
- Người giải quyết khiếu nại, là người đã thực hiện hành vi hoặc ban hành quyết định hành chính và cấp trên trực tiếp của họ.
- Người có quyền, nghĩa vụ liên quan, là nười có quyền và lợi ích liên quan đến việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
Chủ thể của quyền khởi kiện:
- Người khởi kiện (nguyên đơn), là người có đơn khởi kiện và phải là ngời bị quyết định hoặc hành vi hành chính tác động đến.
- Người bị khởi kiện, là người đã thực hiện hành vi hoặc ban hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là người mà quyền và lợi ích của họ liên quan đến vụ án.
Thứ hai, về luật điều chỉnh:
Khiếu nại hành chính được điều chỉnh bằng Luật Khiếu nại.
Khởi kiện hành chính được điều chỉnh bằng Luật Tố tụng hành chính.
Thứ ba, về đối tượng:
Đối tượng của quyền khiếu nại hành chính:
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. (quyết định cá biệt)
- Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, từ khiển trách đến buộc thôi việc.
Đối tượng của quyền khởi kiện hành chính:
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. (quyết định cá biệt)
- Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức đến mức buộc thôi việc.
- Quyết định giải quyết vụ việc cạnh tranh.
Thứ tư, về hình thức thực hiện:
Hình thức khiếu nại hành chính: Đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
Hình thức khởi kiện hành chính: Đơn khởi kiện.
Thứ năm, về thời hiệu
Thời hiệu khiếu nại hành chính:
- Lần một là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Lần hai là 30 ngày.
- Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, 15 ngày đối với khiếu nại lần đầu, 10 ngày đối với khiếu nại lần hai kể từ khi cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu về quyết định kỷ luật.
- Đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Thời hiệu khởi kiện hành chính:
- 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
- 01 năm kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Thứ sáu, về trình tự giải quyết
Trình tự giải quyết khếu nại hành chính:
1. Thụ lý đơn khiếu nại
2. Giải quyết khiếu nại lần đầu
3. Giải quyết khiếu nại lần hai (nếu có)
4. Khởi kiện ra Tòa án (nếu có)
5. Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Trình tự giải quyết vụ án hành chính:
1. Thụ lý đơn khởi kiện
2. Chuẩn bị xét xử
3. Xét xử sơ thẩm
4. Xét xử phúc thẩm (nếu có)
5. Giám đốc thẩm, tái thẩm (nếu có)
6. Thi hành quyết định, bản án của Tòa án.
Khiếu nại hành chính và khởi kiện vụ án hành chính là giai đoạn đầu tiên của quá trình giải quyết khiếu nại hành chính và thủ tục tố tụng hành chính.
Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại và giải quyết vụ án hành chính nhằm kiểm soát tốt hoạt động của cơ quan hành chính, của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Trần Mạnh Tưởng - Khoa Nhà nước và pháp luật
Bản in