tour du lich

Thống kê truy cập

Đang truy cập: {{views}}
Tổng lượt truy cập: {{totals}}
NHỮNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA HIẾN PHÁP 2013 2022-12-05T07:11:00.000Z

Hiến pháp là văn bản có tính chính trị - pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Hiến pháp xuất hiện để ghi nhận những thành quả đấu tranh vì những giá trị cao quý như nền độc lập, tự chủ của quốc gia, khẳng định chủ quyền của Nhân dân, bảo đảm quyền con người, công bằng xã hội và xác định những hình thức, cơ chế vận hành của mỗi chính thể nhà nước.

Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa cho đến nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta đã có 05 bản hiến pháp.

          Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên, Hiến pháp của thời kỳ lập quốc, ghi nhận thành quả đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do cho dân tộc để tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Hiến pháp 1959 là Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên của nước ta, đặt cơ sở pháp lý nền tảng cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; là cương lĩnh đấu tranh để thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà; Hiến pháp 1980 là Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất, Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước; Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp đánh dấu sự khởi đầu cho công cuộc đổi mới với trọng tâm là đổi mới về kinh tế và đặt nền móng cho việc xây dựng  Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Mỗi bản Hiến pháp đều gắn với những mốc lịch sử nhất định. Hiến pháp 2013 được coi là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

          Ý nghĩa của Hiến pháp 2013 trong lịch sử lập hiến nước ta gắn với yêu cầu thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam và trọng trách thực hiện chức năng lập hiến của Quốc hội khóa XIII thể hiện qua những giá trị cốt lõi như:

          Thứ nhất: Hiến pháp 2013 thể chế hóa sâu sắc tư tưởng phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân

          Hiến pháp năm 2013 đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử lập hiến của Việt Nam, Hiến pháp tiếp tục nhất quán thể hiện tư tưởng phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân nhưng ở mức độ cao hơn, sâu sắc hơn với các hình thức thực hiện đầy đủ hơn, biện pháp bảo đảm toàn diện hơn và xuyên suốt toàn bộ nội dung của Hiến pháp.

          Thứ hai: Hiến pháp năm 2013 đề cao giá trị cao quý, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân

          Quyền con người là một giá trị mang tính chất nhân loại, nhân văn. Quyền con người, quyền công dân là hình thức pháp lý của mối liên hệ cá nhân với nhà nước và xã hội. Hiến pháp 2013 đã có nhiều điểm mới về quyền con người. Cùng với việc ghi nhận các quyền con người, quyền công dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Hiến pháp 2013 còn khẳng định sự tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người và quyền công dân. Đây là một trong những bước phát triển mới của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân, và cũng là bước phát triển mới về chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Việc ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân là nguyên tắc hiến định đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan nhà nước trong triển khai thi hành quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân.

          Những quy định của Hiến pháp 2013 cho thấy những thay đổi quan trọng trong nhận thức của chúng ta về ý nghĩa, vai trò của quyền con người, quyền công dân thể hiện nhất quán chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người, coi con người là chủ thể, là động lực quan trọng của sự phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa, nhằm hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

          Thứ ba: Hiến pháp năm 2013 tạo nền tảng pháp lý cơ bản cho việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; gắn liền phát triển kinh tế với xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là yêu cầu khách quan giúp nước ta chủ động hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Quy định của Hiến pháp 2013 đã đặt ra cho Nhà nước nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Đây cũng chính là các mục tiêu của phát triển bền vững.

Thứ tư: Hiến pháp năm 2013 tạo cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa đường lối quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

          Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định. Các thế lực thù địch vẫn ráo riết chống phá sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta. Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân; nhiệm vụ hàng đầu của Nhà nước là cũng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Quy định của Hiến pháp đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội.

Cùng với việc xác định đường lối quốc phòng, an ninh của nhà nước, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục thể chế hóa đường lối đối ngoại của Đảng, khẳng định tính chất nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa; đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập…

          Thứ năm: Hiến pháp 2013 đặt nền tảng pháp lý cơ bản cho việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

          Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Với tư cách là trụ cột của Hệ thống chính trị, Nhà nước là trung tâm quyền lực chính trị của hệ thống chính trị, là biểu hiện tập trung nhất của quyền lực Nhân dân, là công cụ hữu hiệu thực hiện quyền lực của Nhân dân.

Cơ chế giám sát mà Hiến pháp thiết lập theo hướng đảm bảo sao cho trong hoạt động của mình các cơ quan nhà nước phải lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Khi người dân ngày càng nhận thức và phát huy quyền làm của mình đối với nhà nước và xã hội, khi tính tích cực chính trị trong Nhân dân ngày càng được nuôi dưỡng và phát huy thì Nhà nước càng vững mạnh.

Hiến pháp 2013 đã tiếp tục làm rõ cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước. Khác với mô hình tổ chức quyền lực nhà nước ở các nước tư bản là tổ chức và thực hiện theo nguyên tắc “tam quyền phân lập”. Ở nước ta, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các quan quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Lê Thị Thảo – Khoa Nhà nước & Pháp luật


Bản in

 

Tin đã đưa