tour du lich

Thống kê truy cập

Đang truy cập: {{views}}
Tổng lượt truy cập: {{totals}}
NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VỀ LIÊN MINH CÔNG – NÔNG – TRÍ THỨC TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 2020-08-21T03:01:00.000Z

Lý luận về liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là một trong những nội dung cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo lý luận ấy vào phù hợp với thực tiễn nước ta và xem đó là lực lượng nòng cốt của khối đại đoàn kết dân tộc. Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”[1].

Sau hơn 30 năm đổi mới, khối liên minh công - nông - trí thức nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

- Về chính trị, đã xây dựng được khối liên minh công - nông - trí thức ngày càng vững chắc và được củng cố phát triển theo sự phát triển của đất nước. Sự thống nhất về chính trị và tinh thần ngày càng tăng, hệ tư tưởng Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng được xác lập vững chắc trong đời sống xã hội. Khối liên minh công - nông - trí thức vững chắc đã là cơ sở và hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng được các lợi ích chính trị của mỗi giai cấp trong liên minh. Nhờ vậy mà đã đứng vững trước những biến động của thế giới như sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu. Đứng vững trong khối đại đoàn kết dân tộc trước những âm mưu chống phá gây chia rẽ của các thế lực thù địch.

- Về kinh tế, từ đại hội VI, việc thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tạo điều kiện cho mọi tầng lớp, giai cấp có cơ hội khả năng phát triển sáng tạo, làm giàu một cách chính đáng. Điều đó đã giải quyết được lợi ích kinh tế của mỗi giai cấp đồng thời kết hợp lợi ích kinh tế của các giai cấp công-nông-tri thức để đảm bảo cơ sở cho khối liên minh vững chắc… Thể hiện ở chỗ ngày càng có nhiều hình thức hợp tác liên kết, giao lưu và trong sản xuất và lưu thông giữa công – nông - tri thức trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, khoa học kĩ thuật hình thành các mô hình, các tổ chức liên kết giữa các giai cấp và tầng lớp và với cả nhà nước. Chẳng hạn mô hình liên kết 6 nhà trong nông nghiệp:  “nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông - nhà băng - nhà phân phối” đã góp phần phát huy sức mạnh của khối liên minh công – nông - tri thức trong nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước.

- Về văn hóa - xã hội, Đảng ta luôn coi phát triển kinh tế là cơ sở vật chất để thực hiện các chính sách xã hội, nhưng mục tiêu xã hội là mục tiêu của hoạt động kinh tế và ngược lại thực hiện các chính sách xã hội lại là động lực để phát triển kinh tế. Đồng thời phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân. Đại hội XII của Đảng ta đã khẳng định: “Phát triển bền vững văn hóa, xã hội; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”[2].

Nhờ sự quan tâm coi trọng văn hóa, phát triển xã hội mà đã đạt được những thành tựu lớn trong xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện các chính sách xã hội với người có công với cách mạng, nâng cao dân trí phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục. Gắn phát triển công nghiệp và khoa học kĩ thuật với phát triển nông thôn, đô thị hóa. Xây dựng các cơ sơ y tế, văn hoá các công trình nhúc lợi công cộng. Nhờ các chính sách xã hội đi đã tạo được sự gắn kết và đồng thuận giữa các giai tầng trong xã hội.

Với quan điểm đúng đắn về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng khối liên minh công – nông - tri thức đã tạo nên sự ổn định về phát triển đất nước.

Năm 2019, nước ta có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7,02%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. GDP bình quân đầu người đạt 1.168 USD. Môi trường sống và làm việc có nhiều chuyển biến rõ nét; tình trạng xử lý nước thải, khí thải, ô nhiễm môi trường và hoạt động quan trắc môi trường được quan tâm và đầu tư có hiệu quả. Hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng. Hiện nay, cả nước có 1.913 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 402 trường cao đẳng; 472 trường trung cấp và 1.039 trung tâm giáo dục thường xuyên. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước là 1,98%. Đã hỗ trợ 5,5 nghìn tỷ đồng tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, bao gồm 3,4 nghìn tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1,3 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và gần 0,8 nghìn tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có gần 24 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

Tuy nhiên khối liên minh này ở một số địa phương còn mang tính hình thức không thực chất, còn chưa chú trọng đến việc tăng cường khối liên minh ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Đồng thời ở một số địa phương việc thực hiện các chính sách của Nhà nước còn chưa nghiêm túc, còn nhiều tiêu cực đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, đền bù, thuế… nên nảy sinh một số điểm nóng tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định chính trị xã hội ảnh hưởng tới mất quan hệ của nhân dân các Nhà nước và trong khối liên minh công - nông - trí thức. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường, trong những năm gần đây có đến 98% đơn thư, khiếu nại đều liên quan đến đất đai.

Ngoài ra do nhận thức của một số bộ phận người dân, đặc biệt là một bộ phận trí thức còn lệch lạc về các chính sách của Đảng và Nhà nước nên đã bị các thế lực chính trị phản động lợi dụng, lôi kéo đề gây mất trật tự anh ninh xã hội, gây mất đoàn kết trong các lầng lớp. Đôi khi cũng xảy ra những xung đột về lợi ích kinh tế giữa những người nông dân sản xuất với các doanh nghiệp chế biến, thu mua xuất khẩu hay xung đột giữa người công nhân với chủ lao động dẫn đến những bất ổn xã hội. Các chính sách giải quyết lợi ích cho một bộ phận trí thức có trình độ, có khả năng đóng góp lớn cho đất nước còn chưa phù hợp nên không thu hút được nguồn nhân lực trình độ cao này. Một bộ phận công nhân chưa ý thức được lợi ích, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp CNH, HĐH, có nơi còn gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng trong việc xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, điện hoặc các khu công nghiệp.

Trong tình hình hiện nay để củng cố, tăng cường khối liên minh công - nông - trí thức trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cần thực hiện đồng bộ những phương hướng, giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức lớn mạnh toàn diện về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa, chú trọng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học công nghệ của các ngành, lĩnh vực - là phương thức căn bản và quan trọng để thực hiện liên minh công – nông – trí thức ở nước ta hiện nay.

Ba là, tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị ở cơ sở và thực hiện tốt Quy chế và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bốn là, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức nghề nghiệp của công nhân, nông dân và trí thức

 

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 36

 

[2]  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 299

Nguyễn Việt Hải – Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở


Bản in

 

Tin đã đưa