Xã hội ngày càng phát triển, càng phát sinh thêm nhiều mối quan hệ giữa công dân với công dân, giữa công dân với các cơ quan, tổ chức và giữa các cơ quan, tổ chức với nhau. Những mối quan hệ này nhiều khi phát sinh mâu thuẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi bên. Với tư cách là Luật sư, người am hiểu pháp luật và kinh nghiệm trong hoạt động pháp luật, luật sư là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan tổ chức có hiệu quả nhất tại Tòa án.
Theo quy định tại Điều 2 Luật luật sư năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2012) quy định: “ Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng).”
Luật sư bảo vệ trong vụ kiện dân sự góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, góp phần bình ổn xã hội. Để tìm hiểu vai trò của Luật sư trong bảo vệ các tranh chấp dân sự, trước hết cần tìm hiểu về nội dung tranh chấp dân sự.
Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm: tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân; về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản; về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự; về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; về thừa kế tài sản; về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính; về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước; tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng; tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí; tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Luật sư có những vai trò cụ thể như sau:
Thứ nhất, Luật sư có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự. Quá trình tham gia tranh tụng, Luật sư được trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác.
Thứ hai, Luật sư có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự. Quá trình tham gia vụ án, Luật sư được quyền thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
Thứ ba, Luật sư cũng được quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án, được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự.
Thứ tư, vai trò của Luật sư trong tranh chấp dân sự còn thể hiện ở việc bảo đảm thủ tục tố tụng dân sự được tuân thủ đúng pháp luật. Luật sư sẽ đề xuất việc tham gia của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nếu cần thiết trong vụ án dân sự.
Như vậy, trong nhiều vụ án tranh chấp dân sự, nếu có sự tham gia của luật sư để tư vấn pháp luật sẽ giảm bớt những tranh chấp kéo dài, giảm khiếu nại vượt cấp. Các vụ án tranh chấp dân sự thường khá phức tạp, cần nhiều chứng cứ và áp dụng pháp luật qua nhiều thời kỳ. Do đó, sự tham gia của Luật sư trong các vụ án này có vai trò rất quan trọng. Vì vậy, để phát huy hơn nữa vai trò của Luật sư trong vụ án dân sự nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của người bảo vệ công lý, công bằng trong xã hội cần quan tâm đến một số nội dung sau đây:
Một là, đối với khách hàng. Việc mời Luật sư ngay từ khi phát sinh tranh chấp dân sự là rất cần thiết để tránh những việc khiếu kiện, khiếu nại không đúng thẩm quyền hoặc vượt cấp. Khi Luật sư đã tham gia tố tụng, người đó cần tuân thủ theo tư vấn của Luật sư để vụ việc được tiến hành đúng quy định.
Hai là, về phía Luật sư. Luật sư cũng cần định hướng cho đương sự thu thập chứng cứ trong vụ tranh chấp một cách hợp pháp, đúng quy định để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của đương sự; khi tranh tụng, Luật sư cần chủ động đưa ra những câu hỏi để thu thập thông tin bảo đảm sự thật khách quan của vụ việc trên cơ sở yêu cầu khởi kiện. Đặc biệt, Luật sư cần chú trọng việc hòa giải trong tranh chấp dân sự, nhất là những tranh chấp về thừa kế, tranh chấp nợ vay…Bởi lẽ, nếu hòa giải thành công, sẽ hạn chế được các mâu thuẫn trong xã hội và giảm phát sinh trong quá trình thi hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật đối với đương sự.
Nói tóm lại, Luật sư tham gia các vụ án tranh chấp dân sự không chỉ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn góp phần giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, qua đó vị thế của Luật sư trong xã hội cũng ngày càng được nâng cao./.
Nguyễn Thị Thanh Thủy
Khoa Nhà nước và Pháp luật
Bản in