Hội nhập quốc tế là quá trình quốc gia tham gia hợp tác, liên kết quốc tế trong lĩnh vực kinh tế và những lĩnh vực khác, tạo điều kiện kết hợp có hiệu quả nguồn lực trong nước với nguồn lực quốc tế, mở rộng không gian và môi trường để phát triển, chiếm lĩnh vị trí thích hợp có thể được trong quan hệ quốc tế.
Chủ trương hội nhập kinh tế tế quốc tế đã được Hồ Chí Minh nêu ra từ sau ngày lập quốc trong thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc năm 1946: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực… Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình… Việt Nam sẳn sàng mở rộng các cảng sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế… Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”[1]
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến việc phân tích bối cảnh quốc tế, bám sát bước đi của nhân loại, tận dụng sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn thách thức, vừa phát triển nhanh, bền vững, vừa bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội VI mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước, đặt cơ sở cho việc đổi mới tư duy và hành động trong lĩnh vực đối ngoại. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: Cách mạng khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển và có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của thế giới; đồng thời Đại hội đưa ra chủ trương hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật đối với các nước. Tháng 5/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 13 về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tỉnh hình mới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa VI, tháng 3/1989) về đối ngoại chỉ rõ: “chuyển mạnh hoạt động ngoại giao từ quan hệ chính trị là chủ yếu sáng quan hệ chính trị - kinh tế, mở rộng quan hệ kinh tế phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đại hội VII, Đảng đưa ra định hướng đa dạng hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế. Với chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế với việc khẳng định: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đầu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.
Đến Đại hội VIII, thuật ngữ “hội nhập” bắt đầu được đề cập trong Văn kiện của Đảng: “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”. Đại hội VIII đề ra nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn 1996 – 2001 là củng cố môi trường hòa bình, tại điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Văn kiện Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chủ trương đối ngoại của Đảng ta khẳng định: “Việt Nam sẳn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đầu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đại hội IX đã tiếp tục được cụ thể hóa trong Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, ngày 27/11/2001 về hội nhập quốc tế, theo đó cá mục tiêu của hội nhập kinh tế quốc tế là để tạo thêm nguồn lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hóa theo định hướng XHCN, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Hội nghị Trung ương VIII (khóa IX, tháng 7/2003) đã ban hành Nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh tới việc nhìn nhận đối tác, đối tượng trong hợp tác quốc tế một cách biện chứng. Văn kiện đã nêu rõ chủ trương xây dựng nền kinh té độc lập tự chủ đi đôi với hội nhập kinh tế quốc tế. Kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước”[2].
Đại hội X, Đảng đã chủ trương: “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”. Trong quan hệ đối ngoại, Đảng ta có sự điều chỉnh: “Coi đa dạng hóa, đa phương hóa là đặc trưng của chinh sách đối ngoại mở rộng, nhấn mạnh yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực không chỉ với tình thần “chủ động” mà còn phải “tích cực”.
Đại hội XI khẳng định chủ trương “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” (không chỉ hội nhập về kinh tế), nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và phát triển nhanh, bền vững”. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế; hội nhập là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động đối đầu bất lợi”[3].
Đại hội XIII nêu rõ: “Tích cực triển khai các cam kết khu vực và quốc tế, lồng ghép với các chiến lược, chính sách, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết”[4].
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn chiến lược quan trọng, với những mục tiêu khát vọng phát triển vươn lên mạnh mẽ. Việc phục vụ hiệu quả lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đất nước có được vị trí thuận lợi nhất trước những biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực là một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho công tác đối ngoại, đặc biệt là chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế.
Võ Thị Lý
Khoa Lý luận cơ sở
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, tr.470
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, tr.120
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, H.2016, tr.154
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, H.2001, tập 1, tr.165
Bản in