tour du lich

Thống kê truy cập

Đang truy cập: {{views}}
Tổng lượt truy cập: {{totals}}
VAI TRÒ CỦA ĐOÀN THANH NIÊN TRONG CÔNG TÁC CHĂM SÓC, BẢO VỆ VÀ GIÁO DỤC THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG 2020-05-12T03:25:00.000Z

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, ngày 15-9-1945. Thiếu niên, nhi đồng là chủ nhân tương lai của đất nước, các em chiếm một vị trí vô cùng to lớn và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Kể cả thời chiến tranh hay thời bình thì các em thiếu niên nhi đồng vẫn mang trong mình sứ mệnh lịch sử cao cả.

Ngày 15 tháng 5 năm 1941, Đội Nhi đồng cứu quốc ra đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập nhằm tập hợp thiếu nhi vào một tổ chức thống nhất từ Trung ương đến từng địa phương dưới sự hướng dẫn, phụ trách của Đoàn Thanh niên, giáo dục các em theo tinh thần cách mạng và coi các em là một lực lượng cách mạng. Tổ chức Đội được thành lập có vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của thiếu niên nhi đồng. Việc thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh còn có tầm quan trọng vì tập hợp các em trong cùng độ tuổi thiếu niên nhi đồng, như vậy các em có cùng chung về mặt tâm lí, yêu thích hoạt động cùng nhau học hỏi, được rèn luyện và trưởng thành.

Chúng ta biết rằng, thiếu niên, nhi đồng là những mầm xanh, là lực lượng kế cận của tổ chức Đoàn. Vì vậy, công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng luôn được các tổ chức Đoàn quan tâm. Đặc biệt trong thời gian qua, Nhận thức được tầm quan trọng của thiếu niên nhi đồng và vai trò của mình nên chi đoàn cơ sở Trường Chính trị luôn chủ động trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Trước hết là đối với các em thiếu niên nhi đồng là con em của cán bộ, viên chức và người lao động trong nhà trường. Đoàn trường đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi nhân các ngày lễ. Thông qua các trò chơi, khích lệ tinh thần của các em và giáo dục tư duy sáng tạo cho các em. Bên cạnh đó, Đoàn trường còn phối hợp với đoàn cấp trên và các chi đoàn bạn tham gia nhiều hoạt động thiết thực khác như tặng sách, tặng đồ chơi cho các em thiếu niên nhi đồng trong huyện ở vùng sâu của tỉnh.

Không chỉ thế, nhằm kịp thời động viên, khích lệ tinh thần cho các em thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn tình cảm. Hằng năm, Chi đoàn cơ sở Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông luôn có những hoạt động thiết thực thể hiện vai trò của mình trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Ví dụ như Tặng quần áo cũ và các nhu yếu phẩm cần thiết cho thiếu niên nhi đồng ở các bon kết nghĩa, thăm và tặng quà, hướng dẫn cho các em cách uống sữa, cách sử dụng điện thoại…

 

Chi đoàn cơ sở TCT phối hợp với nữ công TCT thăm và tặng quà các em mồ côi tại Trung tâm bảo trợ XH huyện Đắk Mil

“Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, học hành là ngoan” – (Trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đúng như lời Bác, đối với các em thiếu niên, nhi đồng thì ở độ tuổi đấy của các em, việc biết ăn ngủ, học hành là đã ngoan rồi. Thế nhưng trên thực tế, có những em không được may mắn vì hoàn cảnh gia đình éo le, có em mồ côi cha mẹ, có em thì cha mẹ ly hôn…những em đấy phải sống trong cảnh cô đơn, suốt ngày côi cút, không nơi nương tựa. Có những em lại phải bất đắc dĩ trở thành trụ cột gia đình, phải lam lũ vất vả kiếm sống qua ngày và luôn mong ước để có cơ hội được ăn no, ngủ đủ giấc và được cắp sách tới trường như các bạn bè cùng trang lứa. Trong số đó, có những em biết vượt khó, tự tạo nghị lực để vươn lên học tập, tự tu dưỡng nhân cách để trở thành người có ích cho xã hội. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn một số em vì sự bất mãn của số phận, vì vòng xoáy của mưu sinh mà rơi vào những cạm bẫy của đời thường. Có những em gái còn bị xâm hại tình dục do thiếu đi các kỹ năng sống để tự phòng vệ cho bản thân. Cũng vì thế các em đã đánh mất đi cái hồn nhiên, ngây thơ của tuổi trẻ để đi theo con đường xấu, đi theo những kẻ bất hảo. Vậy nên, Việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục các em thiếu niên nhi đồng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của gia đình và xã hội. Đặc biệt là các anh, các chị đoàn viên thanh niên. Các anh các chị là tấm gương để các em noi theo, mọi hoạt động, mọi việc làm của các anh chị đoàn viên thanh niên đều ảnh hưởng đến các em. Chính vì thế, trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục thiếu niên, nhi đồng thì vai trò của Đoàn viên thanh niên vô cùng quan trọng.

Để nâng cao hiệu quả, phát huy tối đa vai trò của đoàn thanh niên trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục các em thiếu niên nhi đồng, thiết nghĩ, mỗi tổ chức đoàn và mỗi đoàn viên phải thực sự nghiêm túc cố gắng, đoàn kết, đặc biệt cần chú ý đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Mỗi cá nhân đoàn viên luôn luôn rèn luyện bản thân, phấn đấu để làm tấm gương sáng cho các em noi theo. Bởi lẽ, trong tâm hồn các em ở độ tuổi này là một trang giấy trắng, bất cứ tác động nào ở bên ngoài cũng có thể vẽ vào ký ức tuổi thơ của các em những cung đường trong đó. Nếu là đường đẹp, hướng tốt sẽ giúp ích rất nhiều cho tương lai các em, ngược lại, thì sẽ đưa các em vào sa lầy của vực thẳm. Vì thế, là thế hệ đi trước, các anh, các chị đoàn viên phải là người biết tu dưỡng đạo đức và trí tuệ, có đủ bản lĩnh để bảo vệ, chăm sóc và cũng là giáo dục các em nên người.

Thứ hai: Phát huy lòng nhiệt huyết, tình yêu thương thiếu niên, nhi đồng và sự sáng tạo của đoàn viên. Khi đủ yêu, đủ thương, thì sẽ gắn kết được tình cảm với các em. Đó là sợi dây tình cảm kết nối dòng cảm xúc giữa các anh chị đoàn viên với các em thiếu niên nhi đồng, tạo thuận lợi hơn trong công tác chăm sóc và bảo vệ các em. Hơn nữa, tâm sinh lý của các em ở độ tuổi này bắt đầu thay đổi, có những em cá tính mạnh mẽ. Vì thế cần có sự sáng tạo trong phương pháp giáo dục để thay đổi tư duy của các em cho phù hợp, việc tổ chức các hoạt động bổ ích sẽ góp phần định hướng cho các em đến các  môi trường lành mạnh.

Thứ ba: Tổ chức đoàn cần xây dựng kế hoạch và tổ chức các buổi gặp gỡ để trao đổi với các em, đặc biệt là vấn đề nóng, vấn đề mới của xã hội, ví dụ như vấn đề giáo dục giới tính, vấn đề sử dụng chất kích thích tạo cảm giác ảo… để các em không rơi vào trạng thái bị động. Phải trang bị cho các em các kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình. Hiện nay, các em ở độ tuổi thiếu niên nhi đồng tham gia các trò chơi đồi trụy rất nhiều như ma túy đá, thuốc lắc…Đây là một hiện tượng tha hóa phẩm chất đặc biệt nghiêm trọng ở giới trẻ. Và một vấn nạn không nhỏ xảy ra là  không ít các em nữ đang độ tuổi thiếu niên nhi đồng bị xâm hại tình dục, và đau lòng hơn trong các vụ án thương tâm ấy, người mang lại vết thương tuổi thơ to lớn cho các em lại chính là những người trong gia đình, có thể là ông nội, là bố của các em…Chính vì lẽ đó, cần phải giáo dục,  tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa cho các em, để các em có nhận thức đầy đủ, biết cảnh giác, biết đề phòng đảm bảo an toàn cho bản thân.

Thứ tư: Khảo sát về số lượng thiếu niên nhi đồng có trên địa bàn, liệt kê danh sách các em có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ để kịp thời động viên các em, truyền động lực cho các em bước tiếp.

Việc làm này sẽ giúp các tổ chức đoàn chủ động hơn trong vấn đề xây dựng nguồn nhân lực, vật lực để cân đối lượng tài chính và con người để có kế hoạch phù hợp và đưa ra các hoạt động thiết thực giúp các em hòa đồng với cuộc sống xã hội.

Thứ năm: Cần phối hợp với các tổ chức xã hội khác để đa dạng hóa trong việc xây dựng các chương trình dành cho thiếu niên nhi đồng, tạo sân chơi lành mạnh để các em có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Các em có thể chia sẽ với các anh chị đoàn viên, chia sẽ với các bạn bè những nổi niềm của của sống, tránh tình trạng trẻ không có sự tiếp xúc bên ngoài lâu dần dẫn đến bệnh tự kỷ. Nhất là thời kỳ công nghệ 4.0 như hiện nay. Nhiều gia đình chỉ chăm chú công việc, ít thời gian nói chuyện và tâm sự với con. Lạm dụng điện thoại thông minh, điều đó vô tình tự đẩy con vào cuộc sống khép kín, dẫn đến tự kỷ.

Tóm lại, Mỗi tổ chức đoàn và cá nhân các đoàn viên trong tổ chức ấy đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả ấy, các anh, các chị đoàn viên phải thật sự năng nỗ, làm việc bằng cả trái tim và lòng nhiệt huyết, chân thành để nắm bắt, hiểu sâu sắc về tâm lý của các em. Từ đó có các phương hướng, kế hoạch cụ thể để chèo lái con thuyền, đưa các em  đến với bến bờ hạnh phúc. Nơi đó sẽ không có những cám dỗ, những tham sân si của cuộc đời, xây dựng cho các em tâm hồn trong sáng. Bên cạnh đó, giúp các em nhận thức được vai trò của mình để cố gắng phấn đấu, học tập tốt, rèn luyện tốt, hoàn thiện bản thân, trở thành người có ích cho xã hội, đưa đất nước ngày càng vững mạnh để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Lê Thị Thảo – Khoa NN&PL

         

 


Bản in

 

Tin đã đưa