Giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Giáo dục – huấn luyện về lý luận nhằm giác ngộ lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cao cả của cách mạng Việt Nam. Nhất là trong giai đoan hiện nay, việc nghiên cứu và học tập lý luận chính trị là một yêu cầu cần thiết và cấp bách, thường xuyên và lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Trong lý luận của C. Mác, giáo dục gồm 3 điều: giáo dục trí lực, giáo dục thể lực, giáo dục kỹ thuật. Trong giáo dục trí lực, ông đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục lý luận chính trị cho quần chúng nói chung và đảng viên nói riêng. Giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ cốt cán, cho giai cấp tiên phong cách mạng được các ông coi là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi đảng cộng sản. Bởi vì: “… tư tưởng cán bản không thể thực hiện tốt được cái gì hết. Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn”[1].
V.I. Lênin đã khẳng định vai trò to lớn của công tác giáo dục, coi đây là một điều kiện đảm bảo thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo đó, V.I. Lênin đã chỉ ra phương pháp giáo dục lý luận chính trị mới, “bản thân nhà giáo dục cũng phải được giáo dục” và “nhà trường phải trở thành công cụ của chuyên chính vô sản, nghĩa là nhà trường không những phải truyền bá những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản nói chung, mà còn phải là một công cụ để truyền bá ảnh hưởng về tư tưởng, về giáo dục”[2]. Có thể thấy, các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lênin rất coi trọng công tác giáo dục lý luận và khẳng định vai trò quan trọng của công tác giáo dục lý luận đối với sự thành công của cách mạng. Đào tạo đội ngũ cán bộ giàu tri thức, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin được coi là yêu cầu cơ bản hàng đầu của mỗi đảng cộng sản.
Tiếp thu sáng tạo tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đào tạo con người xã hội chủ nghĩa không có con đường nào khác ngoài giáo dục cho họ tri thức khoa học, lý tưởng và đạo đức xã hội chủ nghĩa. Con người được đào tạo “… nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hoá, chính trị, kỷ luật, cần phải học lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày”[3]. Trong đó, Người đặc biệt yêu cầu phải giảng dạy lý luận Mác - Lênin cho mọi người, “trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc”[4].
Trong quá trình giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng nhuần nhuyễn nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, bởi “Lý luận là sự tổng kết kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”[5]. Lý luận được thẩm thấu trong hoạt động thực tiễn và thực chất của lý luận là ở thực tiễn và phương pháp của nó là để soi đường, chỉ đạo hoạt động thực tiễn chứ không phải nói chữ, nói sách, không phải bó hẹp trong những khái niệm, phạm trù lý luận một cách hình thức, khô cứng, “lý luận sở dĩ quan trọng là vì nó dạy ta hành động”[6], “không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[7]. Bên cạnh đó, Người cũng đã chỉ rõ, trong Đảng còn nhiều người “chỉ biết vùi đầu suốt ngày vào công tác sự vụ, không nhận thấy sự quan trọng của lý luận, cho nên còn có hiện tượng xem thường học tập hoặc là không kiên quyết tìm biện pháp để điều hòa công tác và học tập”[8], “chúng ta đã áp dụng một số kinh nghiệm một cách thiếu sáng tạo, không có kết quả, cho nên thiếu tin tưởng đối với sự cần thiết phải học tập lý luận”[9].
Từ thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên còn lười học, ngại học lý luận chính trị, ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận”[10], “Đảng ta phải tự nâng cao mình lên nữa, mà muốn tự nâng cao mình thì phải tổ chức học tập lý luận trong toàn Đảng, trước hết là trong cán bộ cốt cán của Đảng”[11]. Có thể nói, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm chỉ đạo việc học tập, đào tạo cán bộ của Đảng. Do đó, vận dụng sáng tạo, linh hoạt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị và sự cần thiết, cấp bách phải nâng cao hơn nữa công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Thực tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị, có những biểu hiện ít quan tâm, xem nhẹ, coi thường việc học tập lý luận chính trị; xác định động cơ, mục đích học tập lý luận chính trị không đúng đắn. Đó là một trong những biểu hiện suy thoái rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trường hợp, cán bộ, đảng viên khi tiếp xúc với quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch thì tỏ ra lúng túng, thiếu lý lẽ để đấu tranh cho chính mình và đấu tranh bác bỏ quan điểm sai trái, phản động, nhằm bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng. Do đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có biểu hiện thứ ba: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[12]. Đại hội XIII nhận định, những hạn chế, tồn tại trong công tác giáo dục lý luận chính trị, là một trong những nguyên nhân làm cho: “một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”[13]. Cho nên, phải “Khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”[14]. Có thể khẳng định, phòng, chống tình trạng lười học tập lý luận chính trị là vấn đề cấp thiết, quan trọng hàng đầu đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, qua đó nâng cao trình độ lý luận chính trị; kịp thời nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, nhân dân hiện nay.
Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ đảng viên là cơ sở hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng học tập học tập lý luận chính trị, khắc phục tình trạng lười học tập lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục giáo dục, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý… đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, tránh tình trạng quán triệt, triển khai qua loa, hình thức, chiếu lệ, xem nhẹ việc học lý luận chính trị.
Đại hội XII chỉ rõ: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”[15].
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu lên nhiệm vụ, giải pháp đó là: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn, đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”[16]. Một điểm mới quan trọng trong phương hướng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị được Đại hội XIII của Đảng nêu ra là “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”[17].
Có thể thấy từ những yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, đòi hỏi Đảng luôn phải đổi mới một cách toàn diện, sâu sắc công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên được trang bị đầy đủ, toàn diện hơn về kiến thức, kỹ năng và thái độ về nhận thức tri thức chính trị, xử lý tốt các tình huống thực tiễn trong công tác, là cơ sở để cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là tiền đề người cán bộ, đảng viên thực hiện lời dạy của Bác: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”[18].
[1] C. Mác và Ph. Ăgghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc tế, Hà Nội, 1995, t. 16, tr. 263.
[2] C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin và I.V. Xtalin: Bàn về giáo dục, Nxb. Sự thật Hà Nội, 1976. tr. 151.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 383.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 49.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 497.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 234.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 234.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.11, tr.90.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.11, tr. 94
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.280,
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.11, tr. 94
[12] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Sự thật, HN 2021, tập II, tr 12.
[13] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Sự thật, HN 2021, tập II, tr 168.
[14] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Sự thật, HN 2021, tập II, tr.236.
[15] ĐCSVN: Văn kiện Hộ̣i nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2016, tr.36-37.
[16] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tập II, tr 236.
[17] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tập II, tr 236.
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 208.
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
ThS. Phạm Thanh Bình
Bản in