Đoàn kết, tương thân, tương ái là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc ta. Truyền thống ấy đã phát huy sức mạnh to lớn để nhân dân ta giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ năm 1954 và đang lan tỏa mạnh mẽ trong cuộc chiến chống “giặc COVID – 19”.
Thực dân Pháp liên tiếp thất trận ở Việt Bắc năm 1947, ở Biên Giới năm 1950, ở Hòa Bình năm 1952. Tháng 5/1953, được sự hậu thuẫn của Mỹ, Pháp cử tướng Hăngri Nava sang Đông Dương với hy vọng cứu vớt danh dự cho nước Pháp. Sau khi thị sát chiến trường, tham khảo ý kiến các tướng lĩnh, Nava lập ra kế hoạch chiến tranh trong vòng 18 tháng với hy vọng tạo nên cục diện mới có lợi cho nước Pháp trong đàm phán tại Giơnevơ.
Theo kế hoạch được xây dựng từ Hội nghị Bộ Chính trị tháng 9/1953, bộ đội chủ lực (Đại đoàn 316) hành quân lên Tây Bắc, Đại đoàn 325 bí mật tiến sang Trung Lào. Phát hiện được động thái này, ngày 20/11/1953, Nava lập tức điều động quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Âm mưu xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để ngăn chặn thu hút và tiêu hao quân chủ lực của ta.
Pháp tập trung binh lực và hỏa lực mạnh ở Điện Biên Phủ, đầu tháng 3-1954, tổng số binh lực là 16.200 quân, trong đó 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và phi đội không quân thường trực có 14 chiếc, tập trung 80% lực lượng không quân ở Đông Dương. Chúng bố trí 40 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm, chia làm ba phân khu: phía Bắc, Trung tâm (Mường Thanh) và phía Nam (Hồng Cúm). Cả Pháp và Mỹ đều thống nhất đánh giá đây là: “pháo đài khổng lồ không thể công phá”, một “con nhím” hoàn hảo được tổ chức phòng ngự theo kiểu hiện đại.([1])
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy kiêm Bí thư Đảng ủy. Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái cả nước tập trung sức lực để giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”([2]).
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, trong thời gian (từ tháng 11/1953 – 7/1954), nhân dân ta đã cung cấp cho Chiến dịch 3.168 người làm hậu cần, phân bố trong 7 đội điều trị, 1 đội vận tải ô tô 446 xe, binh trạm 18 và trạm điều chỉnh giao thông, kho quân nhu, quân khí; tăng cường 4 tiểu đoàn công binh sửa đường, 2 đại đội thông tin, 2 tiểu đoàn 37mm (24 khẩu) và đại đội 12,7mm; cùng với 261.453 người làm dân công, với 3 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 500 ngựa thồ; vận chuyển khối lượng vật chất khổng lồ gồm: 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn các loại thực phẩm khác, 1.860 lít dầu ăn và 280 kg mỡ, 71 tấn quân trang, 1.783 tấn xăng dầu, 55 tấn thuốc và dụng cụ quân y, đã điều trị cho 10.130 thương binh và bệnh binh, 30.759 tấn vũ khí đạn dược([3]).
Nhờ phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta dành được thắng lợi oanh liệt ở Điện Biên Phủ (từ ngày 13/3 – 7/5/1954). Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu đã đập tan cuồng vọng đặt ách thống trị ở nước ta lần thứ hai của thực dân Pháp, làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi trong ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng bước đầu làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; cổ vũ, động viên nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới đứng dậy đấu tranh giành chính quyền.
Truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc ta được phát huy mạnh mẽ trong cuộc chiến chống “giặc COVID – 19”.
Đại dịch COVID – 19 khởi phát tại Trung Quốc, Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, với nhiều cửa khẩu, lối mòn, lưu lượng người qua lại và hàng hóa giao thương lớn, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh rất cao.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, kịp thời, thận trọng, chính xác trong công tác phòng, chống Đại dịch COVID – 19. Ngay khi nước ta có 02 người Trung Quốc bị nhiễm virus Corona chủng mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Công văn số 79-CV/TW, ngày 29/1/2020, gửi các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra; Chỉ thị số 15/CT – TTg, ngày 27/3/2020, của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc". Chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết. Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 16/CT – TTg, ngày 31/3/2020, về thực hiện các biện pháp cấp bách phong, chống dịch COVID – 19. Thủ tướng yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc… Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch đề ra phương châm chỉ đạo chủ động, bình tĩnh, sáng suốt, đồng bộ, bám sát tình hình diễn biến của đại dịch để xử lý linh hoạt, nhanh nhạy với tinh thần bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Đồng thời, thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa ưu tiên kiểm soát, ngăn chặn Covid-19, vừa tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế xã hội, hỗ trợ kinh tế, tài chính đến những nhóm yếu thế trong xã hội nhất là người nghèo, người lao động gặp khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở đoàn kết, người dân chung sức, đồng lòng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phòng, chống “giặc COVID – 19”. Mặc dù hết thời hạn cách ly xã hội khá lâu nhưng Việt Nam không ghi nhận bệnh nhân nhiễm COVID – 19 mới trong cộng đồng. Trong khi Đại dịch đã lây lan hầu hết các quốc gia trên thế giới và số ca nhiễm mới và số ca tử vong tăng cao.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam ngày 17/3/2020, về “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch COVID – 19”, đến nay, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ và đăng ký ủng hộ tiền và hiện vật lên đến hàng nghìn tỷ đồng; cùng những hình thức và biện pháp giúp đỡ về kiến thức, kinh nghiệm từ các cháu thiếu nhi đến các cụ già, các văn, nghệ sỹ thì không thể cân, đo, đong đếm được. Để hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống Dịch và những người yếu thế trong cộng đồng. Từ hình ảnh cây ATM rút tiền tự động của các ngân hàng, nhiều tỉnh, thành đã tổ chức các “cây ATM gạo” với tinh thần “ai thiếu thì nhận, ai đủ thì cho” để không ai bị bỏ lại phía sau.
Đắk Nông thuộc nhóm tỉnh có nguy cơ thấp về lây lan Dịch bệnh. Tuy nhiên, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn tích cực, chủ động thực hiện những văn bản của Trung ương, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động trong công tác phòng, chống Dịch. Bám sát tình hình Dịch bệnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo. Công văn số 438/UBND-KGVX, ngày 8/2/2020, của UBND tỉnh; Thông báo số 3018 – TB/TU, ngày 27/3/2020, của Thường Trực tỉnh ủy; Công văn số 1523/UBND-KGVX, ngày 31/3/2020, của UBND tỉnh; Thông báo số 356/TB-VPUBND, ngày 23/4/2020, của Văn Phòng UBND tỉnh. Phát huy tryền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của cộng đồng 40 dân tộc anh em, trên địa bàn tỉnh nhà đã tổ chức các “cây ATM gạo” ở thành phố Gia Nghĩa, thị trấn Eatling, huyện Cư Jut, ở thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô. Riêng gia đình chị Sen ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong phối hợp với Chính quyền xã trao 2 tấn gạo cho 200 hộ gia đình yếu thế trong các bon…
Có thể khẳng định với những chủ trương, giải pháp đồng bộ của Đảng, Nhà nước, đã phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách” của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở và nhân dân, tạo ra nguồn lực đủ lớn để Việt Nam có thể tự hào với thế giới về việc kiểm soát tốt tình hình Dịch bệnh.
Thắng lợi bước đầu trên mặt trận chống dịch COVID – 19, khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, kịp thời, quyết liệt, thận trọng chính xác của Đảng và Nhà nước ta. Thắng lợi ấy một lần nữa khẳng định với thế giới về sức mạnh của truyền thống đoàn kết, kỷ cương, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam.
Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái trong chiến thắng giặc Pháp năm 1954 và bước đầu chiến thắng “giặc COVID – 19” của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sức mạnh đại đoàn kết, yêu thương, đùm bọc của cả một dân tộc đã, đang và sẽ đưa Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Nguyễn Văn Hùng - Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông
([1]) Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và Bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 196-197, 203
([2]) Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ, Văn kiện Đảng, Nxb. CTQG, H. 2014, tr. 221
([3]) Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, t3, tr.933-935, Nxb. CTQG, H.2008
Bản in