Trong xu thế hội nhập hiện nay thì khoa học và công nghệ (KH&CN) là một yếu tố có tác động to lớn đến việc tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước ta. Nó là chìa khoá cho việc hội nhập thành công, cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và thực hiện rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước bắt kịp với các quốc gia khác trên thế giới. Khoa học và công nghệ là yếu tố quyết định đến việc thực hiện mục tiêu chuyển nền kinh tế của nước ta sang nền kinh tế tri thức, cho tiến trình toàn cầu hoá. Khoa học và công nghệ là một yếu tố có thể nói là nó đi vào mọi mặt của đời sống.
Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Nông đã đặc biệt quan tâm trong phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, hoạt động KH&CN có những chuyển biến tích cực. Từ năm 2015- 2020 tỉnh đã triển khai 48 đề tài nghiên cứu phục vụ xây dựng chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo tồn văn hóa truyền thống, đánh giá giá trị di sản Công viên địa chất Đắk Nông. Tăng cường hợp tác, liên kết về khoa học và công nghệ với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu hàng đầu của đất nước. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN từng bước được đổi mới. Thúc đẩy việc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, xác lập quyền sở hữu trí tuệ; đổi mới công nghệ; xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương.
Công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực KH&CN được tỉnh quan tâm chú trọng, tạo cơ sở, hành lang pháp lý, cơ chế để KH&CN phát triển, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Các cơ quan, đơn vị, đại phương đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Tỉnh đã bố trí kinh phí để đầu tư cho hoạt động KH&CN như: Nghiên cứu và triển khai các đề tài, dự án…; hỗ trợ cho hoạt động KH&CN của các Sở, Ban, ngành, huyện, thành phố; hoạt động sự nghiệp KH&CN,… Các Sở, Ban, ngành và huyện, thành phố của tỉnh cũng đã triển khai các chủ trương, chính sách, lồng ghép nhiều chương trình, dự án, mục tiêu về vấn đề thu hút nguồn nhân lực, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ.
Với nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh, hằng năm, đội ngũ trí thức KH&CN của tỉnh đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có nhiều dự án điển hình như: Đầu tư mua sắm trang thiết bị tăng cường khả năng kiểm định phương tiện đo lường, thử nghiệm chất lượng hàng hóa cho Trung tâm kỹ thuật đo lường thử nghiệm, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; đầu tư xây dựng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN,… Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, dịch vụ KH&CN.
Tuy nhiên, KH&CN tỉnh vẫn còn mộ số tồn tại, hạn chế: Tỉnh Đắk Nông chưa có trường Đại học, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp có tiềm lực lớn đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học nên hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, năng suất chất lượng chưa thực sự được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn nhân lực và tài chính còn hạn chế, một số doanh nghiệp là chi nhánh (công ty con) của doanh nghiệp ở ngoài địa phương. Vì vậy, mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cũng chỉ đầu tư những công nghệ, dây chuyền thiết bị bán tự động, một số thiết bị chuyên dụng, không đồng bộ. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm không cao, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở địa phương và một số tỉnh, thành phố trong khu vực. Nguồn nhân lực trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh phần lớn do đơn vị tự đào tạo.
Nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động KH&CN của tỉnh còn quá thấp (0,5%), các dự án đầu tư phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh chưa đảm bảo nguồn ngân sách để triển khai thực hiện. Đội ngũ chuyên gia KH&CN trên địa bàn tỉnh còn thiếu cả về số lượng và chất lượng nên khó khăn trong công tác tham gia phản biện, đóng góp ý kiến trong các hội đồng khoa học, ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh. Tiềm lực KH&CN của địa phương trên các lĩnh vực mặc dù đã được đầu tư, trang bị song còn thiếu, không đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập hiện nay; chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
Đứng trước những thuận lợi và hạn chế nêu trên, để KH&CN của tỉnh nhà ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, cần tập trung một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với công tác ứng dụng khoa học và công nghệ. Đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ mới, hiện đại.
Thư hai, triển khai thực hiện các Chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Thứ ba, cần chú trọng và đầu tư cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ tại địa phương, đặc biệt là nhân lực khoa học và công nghệ.
Thứ tư, khoa học và công nghệ là động lực phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là xu thế của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Do đó, cần khuyến khích đa dạng hóa nguồn lực đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ mới mang lại hiệu quả thiết thực. Nghị quyết đại hội 12 của Đảng bộ tỉnh đã chỉ rõ: “Quan tâm đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực theo hướng tiếp cận với xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo mọi điều kiện để khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội”.
Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong đó chú trọng nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phục vụ giải quyết các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khuyến khích xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng và hoạt động sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ công nghệ, phát triển hàng hóa, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng, gắn với xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đẩy mạnh hợp tác về khoa học và công nghệ. Quan tâm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
ThS. Nguyễn Việt Hải
Giảng viên Khoa Lý luận Cơ sở
Bản in